Những việc cần làm khi mới sang Na Uy

Những việc cần làm khi mới sang Na Uy
Khởi đầu ở Na Uy đơn giản và nhẹ nhàng!

Sau đây là những việc quan trọng bạn cần làm khi mới sang Na Uy theo kinh nghiệm của mình.

Trình diện cảnh sát để lấy vân tay, chụp hình

Nếu bạn làm visa nhập cảnh Na Uy từ Việt Nam thì 99% bạn phải đặt lịch hẹn với cảnh sát để chụp hình và lấy dấu vân tay làm thẻ cư trú. Đây là ưu tiên hàng đầu và phải làm sớm nhất có thể. Ngày bạn trình diện cảnh sát là ngày bạn chính thức được cư trú hợp pháp tại Vương quốc Na Uy. Kể từ ngày đó bạn có thể đi làm và một cuộc sống mới bắt đầu từ ngày hôm đó. Chúc mừng bạn!

Cảnh sát chỉ yêu cầu hộ chiếu và thông tin địa chỉ cư trú của bạn. Dễ nhất là mình mang theo luôn cái hợp đồng thuê nhà, rồi đưa cho bạn bên cảnh sát tự điền vô. Các giấy tờ khác thì bạn có thể mang theo để tự tin hơn, chứ mình thấy người ta cũng không hỏi mấy cái đó!

Dù mình có đặt lịch hẹn theo giờ trên Oslo rồi nhưng mà lên đó vẫn phải bốc số lại từ đầu, nên là các bạn nên đi sớm nhất có thể nhé!

Ở Na Uy khi bạn thay đổi nơi cư trú thì bạn cần cập nhật địa chỉ mới nhất với sở thuế để đảm bảo quyền lợi chính đáng của bạn nhé!
Thẻ cư trú Na Uy

Thông thường khoản 1 tuần tới 2 tuần là người ta sẽ gửi cho bạn thẻ cư trú. Thẻ cư trú có chức năng như Visa vậy đó, nó không thể thay đổi hộ chiếu của Việt Nam được. Sau này khi đi đâu đó khỏi Na Uy bạn cần mang theo hộ chiếu và thẻ cư trú là có thể nhập cảnh trở lại mà không cần phải xin visa lại. Sau khi có thẻ cư trú rồi bạn nhớ chụp hình lại rồi giữ lại đâu đó nhé.

Thẻ cư trú cũng cho bạn biết bạn được cấp phép ở lại Na Uy bao nhiêu năm, thông thường là từ một đến ba năm. Bạn không cần quá lo lắng nếu người ta chỉ được cấp có một năm, trường hợp này thì năm sau mình gia hạn thôi. Dễ như ăn kẹo!

Xin cấp định danh – Fødselsnummer

Mỗi người cư trú ở Na Uy sẽ được cấp một số định danh là Fødselsnummer. Số định danh này được sử dụng như số chứng minh thư hoặc số căn cước công dân. Số  fødselsnummer đôi khi được mọi người gọi là Id, số định danh, số đầu người, số an sinh xã hội, ssn, số ngày sinh, D-number.Trong bài viết này mình sẽ gọi nó là số định danh. Số định danh cá nhân được cấp bởi cục thuế Na Uy (Skatteetaten.no). Đây là con số sẽ theo với bạn suốt đời ở Na Uy, nên tốt nhất là bạn nên học thuộc lòng cho tiện nhé.

Thông thường khi bạn trình diện cảnh sát thì bên cảnh sát tự liên hệ bên Cục thuế cấp số định danh cho bạn. Bạn chỉ việc ở nhà đợi khoản 2 tuần kể từ ngày bạn có thẻ cư trú là giấy gửi về. Tuy nhiên sau khi bạn có thẻ cư trú rồi mà khoản 4 tuần sau không thấy giấy báo của cục thuế thì bạn nên gọi lên cục thuế liền nhé. Có thể họ bận quá mà “quên” gửi giấy về cho bạn á. Đây là thông tin quan trọng tiên quyết cần cho những việc khác sau này của bạn. Vì không có số định danh thì bạn gần như không thể mở tài khoản ngân hàng. Gần như không thể tiếp cận tới các dịch vụ của Vương quốc Na Uy.

Đăng kí số điện thoại

Do số điện thoại của mình được công ty tài trợ nên mình không phải cần làm bước này. Nhưng bạn cần một số điện thoại mới càng sớm càng tốt, có một vài cách mình có thể mua số điện thoại theo mình biết như sau.

  • Nếu bạn đã có số định danh thì bạn có thể mua sim từ Ice https://ice.no . Một nhà mạng theo mình chi phí rẻ nhất ở Na Uy. Bạn chỉ cần gọi lên tổng đài 21 00 00 00 nói là bạn cần một cái sim mới, đọc số định danh cho họ thì người ta sẽ gửi sim cho bạn trong vòng khoản 1 tuần qua địa chỉ mà bạn đã đăng kí.
  • Nếu bạn chưa có số định danh thì bạn có thể ra các của hàng của nhà mạng MyCall https://en.mycall.no Nhà mạng này chỉ cần hộ chiếu của bạn, bạn ra đó điền một cái đơn là người ta bán sim cho bạn hà. Quá dễ phải không nào!

Tải app xe buýt

Theo mình hệ thống phương tiện công cộng ở Oslo phát triển do đó bạn có thể không cần ô tô khi ở Oslo (theo mình là vậy, dù mình không ở Oslo).

Mỗi tỉnh ở Na Uy đều có đơn vị cung cấp xe dịch vụ xe buýt khác nhau. Ở Oslo là Ruter #. Mình thì ở Vestfold og Telemark thì dùng dịch vụ của vkt.no . Đi train từ chổ mình ở lên Oslo thì dùng app Vy nhé bạn.

Cuộc sống lâu dài ở đây thì bạn cần một chiếc ô tô, như ở Việt Nam thì bạn cần một cái xe máy vậy đó.

Đăng kí MinID và thẻ thuế

Sau khi có số định danh thì bạn nên vào xem thẻ thuế của mình một chút. Thông thường thì nếu người nước ngoài đến Nauy thì sẽ mặc định đóng thuế 25% theo chương trình PAYE (Pay As You Earn).
Nếu bạn ở lâu dài thì có thể bỏ theo cái này và theo chương trình của người bản xứ. Vì cái PAYE này chỉ được áp dụng cho năm đầu tiên thôi. Theo mình năm đầu tiên thì cứ theo PAYE vì nó tiện lợi do bạn không cần phải quyết toán thuế, đống thuế cho 25% là xong, khỏi lăn tăn cái gì gì đó khác. Còn nếu theo chương trình bản xứ thì bạn cần quyết toán thuế như ở Việt Nam. Để vào xem thẻ thuế của mình thì mình cần MinID nhé, sau này có BankID rồi thì mình không cần MinID nữa. Vấn đề là cái BankID đó làm mất mấy tháng trời!

Để kích hoạt MinID thì bạn vào đường link bên dưới, điền thông tin số định danh của bạn vào. Rồi đợi khoản 1 tuần người ta gửi một cái giấy có mã QR để bạn kích hoạt app MinID bạn nhé.

Order activation letter for MinID user
Here you can order an Activation letter for MinID user registration.

Đăng kí sang tên điện

Thông thường ở Na Uy thì người thuê nhà sẽ đứng tên cho hóa đơn điện luôn dù bạn không sở hữu căn nhà đó. Chủ nhà của mình còn hối mình sang tên lẹ lẹ đi!!!

Nếu chủ nhà bạn nói mỗi tháng bạn trả 1000 kr tiền điện thì có nghĩa là nhà bạn thuê không có đồng hồ riêng. Có nghĩa là bạn sẽ xài điện chung chủ và tương tự cho internet. Khả năng cao là xài chung internet với chủ luôn.

Để sang tên điện thì bạn cần số định danh và mã số đồng hồ điện nha. Sau đó bạn liên hệ với chủ nhà để hỏi đơn vị cho thuê đường dây và công ty điện ở khu vực đang sinh sống.

Chụp X quang phổi

Người Việt Nam mình qua đây thì bị yêu cầu lên bệnh viện chụp X quang phổi. Bạn cứ yên tâm đi mà chụp,  nếu bạn có vấn đề gì về phổi thì họ sẽ làm gì đó giúp bạn. Không có gì lo lắng cả!

Giấy yêu cầu chụp X quang
Nếu bạn không đi thì sẽ có tiền phạt là 1125 kr gửi về tận nhà!

Mở tài khoản ngân hàng

Mở tài khoản ngân hàng ở Na Uy tốn hàng tháng trời! Quy trình thì lằng nhằng phức tạp không như ở Việt Nam chỉ cần ra một quầy dịch vụ nào đó thì 1 tiếng sau đã có tài khoản ngân hàng rồi.

Mình có thử mở tài khoản ngân hàng ở DnB, Nordea và Sbanken. Lý do mình chọn các ngân hàng này là vì đây là những ngân hàng lớn và ngân hàng số.  DnB là ngân hàng lớn nhất Na Uy. Nordea là ngân hàng lớn nhất Bắc Âu. Sbanken là ngân hàng số mới nổi của Na Uy. DnB đã mua lại ngân hàng Sbanken.

Quy trình cơ bản là bạn lên website các ngân hàng này điền đơn rồi lên văn phòng họ scan số định danh rồi đợi. SBanken thì khoản 2 tuần là mình có tài khoản, 1 tháng sau mình có BankID luôn. Còn DnB mình làm từ tháng 6 mà tới giờ là tháng 10 vẫn chưa gửi mã kích hoạt tài khoản, nhưng mình có BankID rồi nên cũng không cần nó nữa.

Lưu ý! Mẫu hộ chiếu cũ không có chip của Việt Nam khi mở tài khoản ở ngân hàng Nordea thì sẽ không được cấp BankID và thu phí khoảng 700 kr nhé!!!

SBanken theo mình là dễ nhất, cách làm như sau:

Điền yêu cầu mở tài khoản vào link bên dưới‌‌Become a customer through Posten Norge (sbanken.no)

Form đăng ký Sbanken

Sau khi submit đơn lên Sbanken thì khoản 1 tuần sau người ta sẽ gửi một kiện hàng tới Posten (một công ty bưu điện) gần nhà bạn. Bạn mang hộ chiếu và giấy thông báo số định danh từ cục thuế ra cho người ta scan. Sau một ngày là bạn sẽ tài khoản ngân hàng. Mất khoản một tuần là có tài khoản ngân hàng và bạn có thể biết mùi "lúa" ở Na Uy được rồi.

Lưu ý khi mở tài khoản ở Sbanken. Bạn cần kí xác nhận giống với chữ kí trong hộ chiếu của bạn. Yêu cầu nhân viên của Posten phải scan hộ chiếu bạn phải bao gồm trang có thông tin và trang có chữ kí của bạn nhé.

Đăng kí BankID và Vipps

Sau khi có tài khoản Sbanken thì một tháng sau bạn gọi lên yêu cầu kích hoạt BankID. Sau khi bạn có BankID rồi thì sau này bạn muốn mở tài khoản ở một ngân hàng khác thì bạn chỉ tốn thời gian có 2 phút mà thôi. Vì một người được cấp một BankID và có thể dùng để đăng nhập vào tất cả các ngân hàng khác.

Khi có BankID rồi thì bạn có thể đăng kí Vipps. Vipps giống như các ví thanh toán điện tử khác như MoMo, ZaloPay. Một điều khá buồn cười ở đây là việc chuyển khoản tiền giữa các tài khoản khác ngân hàng ở đây có thể lên đến vài ngày. Nói chung là không có chuyển tiền qua liền. Nhưng khi thanh toán bằng Vipps thì giao dịch sẽ được ghi nhận tức thì. Dễ hiểu là tiền sẽ qua tài khoản liền luôn. Vipps rất là tiện lợi cho các giao dịch cá nhân. Khi bạn mua hàng ở hội chợ thì người ta chỉ cần cho bạn biết số điện thoại thì bạn có thể chuyển tiền qua tức thì. Nhanh và tiện hơn rất nhiều!

Tới khi bạn có Vipps thì coi như cơ bản là bạn đã hoàn thành bước đầu quá trình “nhập cư” vào cuộc sống ở Na Uy. Tới đây bạn có thể nghĩ tới những vấn đề khác như học tiếng Norsk và thi bằng lái xe ô tô.

Chúc bạn có một cuộc sống mới thú vị.

PS: Nếu bạn cũng mới đến Na Uy và không rõ gì về những cái mình liệt kê trên thì có thể comment bên đưới, mình sẽ cố gắng cập nhật lại cho đầy đủ hơn nhé!

I believe I can fly!
Photo by Steve Harrris / Unsplash